Tại đồi Trà Quân, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam, một số hộ dân đã tự ý san ủi đồi núi, làm trang trại chăn nuôi, rau củ quả mà thực chất là ‘núp bóng’, không nuôi trồng, chủ yếu làm điện năng lượng mặt trời áp mái.
Các trại được dựng lên lắp đặt điện năng lượng mặt trời ở đồi Trà Quân, dưới đất trống không có trang trại gì – Ảnh: LÊ TRUNG
Theo ghi nhận ngày 27-8, tại đồi Trà Quân có 3 khu vực được các hộ dân san ủi mặt bằng, dựng lên các trại. Nói là trang trại nhưng chỉ là những cây trụ và mái tôn, trên mái được lắp đặt các tấm pin năng lượng.
Trên mái lắp pin, dưới đất trống trơn
Bên cạnh đó có hệ thống trụ, đường dây điện được đấu nối hòa lưới điện. Trong 3 khu này, chỉ có một khu bên dưới có làm trang trại nuôi một lượng ít gà, hai khu còn lại dưới đất trống trơn, không một bóng người.
Ông L.V.T. (50 tuổi), người dân ở khu vực này, cho biết từ cuối năm 2020 họ đã thấy một số hộ dân san ủi đồi, xây dựng các trại, lắp đặt pin năng lượng một cách ồ ạt. “Đồi núi bị san ủi nham nhở, nghe nói họ làm trang trại mà có thấy nuôi con gì, trồng cây gì đâu, chỉ thấy lắp đặt điện năng lượng áp mái” – ông T. cho biết.
Ông C.V.Đ., một chủ trang trại gà diện tích hơn 6.400m2 có lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái, cho biết từ tháng 8-2020, ông được Hợp tác xã (HTX) Mỹ Tân An hợp đồng giao khoán đất ở đồi Trà Quân với diện tích 30.000m2.
Đến tháng 11, ông xây dựng trại nuôi gà với diện tích 6.400m2, xây dựng, thi công lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với diện tích mái 6.400m2, công suất gần 1MW. Theo ông, công ty của con ông đã thuê lại mái để làm điện mặt trời, cuối tháng 12-2020 thì hòa lưới, bán điện.
Theo tìm hiểu, HTX Mỹ Tân An được UBND tỉnh Quảng Nam cho thuê đất vào năm 2003 với diện tích 314.000m2 để xây dựng trang trại sản xuất nông lâm nghiệp, thời hạn cho thuê 50 năm. Năm 2006, HTX này xây dựng đề án phát triển trang trại theo hướng liên kết HTX và hộ nhận khoán thực hiện.
Sau đó HTX này có lập phương án và trình UBND huyện Núi Thành phê duyệt để cho các hộ dân thuê lại sản xuất. Và đến nay, thực tế tại khu vực này không có trang trại nông lâm nghiệp nào được đầu tư xây dựng theo như đề án mà HTX đề ra từ năm 2006.
Chính quyền địa phương nói gì?
Theo báo cáo của UBND xã Tam Xuân 1, tháng 11-2020 chính quyền xã phát hiện HTX này đã tự ý cho doanh nghiệp đưa phương tiện máy móc thi công san ủi làm biến đổi hiện trạng sử dụng đất tại đồi Trà Quân với diện tích khoảng 1,2ha, nên yêu cầu dừng các hoạt động này nhưng đơn vị thi công vẫn tiếp tục san ủi, cố tình không thực hiện chỉ đạo của xã. Việc san ủi đất làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất khi chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền là sai với quy định của Nhà nước.
Theo xã này, trong quá trình thực hiện phương án cải tạo đất và nông lâm kết hợp, HTX và chủ đầu tư không thực hiện đúng phương án. Đối với diện tích đất đã xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời, xã không nhận bất kỳ văn bản nào của HTX cũng như chủ đầu tư.
Tháng 11-2020 xã đã kiểm tra và yêu cầu đình chỉ. Dự án điện mặt trời có diện tích 1,2ha, để ngăn chặn việc đầu tư dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, xã đã có báo cáo cho UBND huyện để kiểm tra, xử lý.
Ông Trần Văn Ba – cán bộ địa chính xã Tam Xuân 1 – cho biết các thủ tục mà những hộ dân xây dựng điện mặt trời thì địa phương không nắm được bởi họ cũng không làm việc với địa phương.
Tự ý làm trang trại, điện năng lượng
Tháng 3-2021, ông Trần Thanh Hà – giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Nam – đã có báo cáo gửi UBND tỉnh liên quan đến việc thực hiện khắc phục các tồn tại trong cải tạo đất để sản xuất nông lâm kết hợp, tận thu đất dư thừa ở đồi Trà Quân.
“Việc quản lý sử dụng đất của HTX này lỏng lẻo để các hộ dân sử dụng đất xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trách nhiệm này thuộc về HTX” – ông Hà nêu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ui-doi-nup-bong-trang-trai-lam-dien-mat-troi-20210828091924387.htm