Điện mặt trời có thể bị cắt giảm khoảng 8 tỉ kWh trong năm 2021?
Theo các chuyên gia năng lượng, trong năm 2021, có khả năng năng lượng tái tạo, trong đó có sẽ bị cắt giảm công suất lớn, không chỉ dừng lại ở con số 1,3 tỉ kWh như dự báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).
Theo các chuyên gia năng lượng, trong năm 2021, có khả năng năng lượng tái tạo, trong đó có sẽ bị cắt giảm công suất lớn, không chỉ dừng lại ở con số 1,3 tỉ kWh như dự báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).
Tại Tuần lễ Năng lượng thế giới diễn ra trong 3 ngày (5-7.10) tại Việt Nam, TS Lê Hải Hưng – thành viên chuyên gia Hội đồng năng lượng thế giới (WEC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ cho biết, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời, bao gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà đạt xấp xỉ 19.400 MWp, tức là chiếm khoảng 25% tổng công suất của hệ thống điện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sản lượng điện của hệ thống điện mặt trời mới chỉ chiếm 4,3% (tức khoảng 10 tỉ kWh so với khoảng 247 tỉ kWh) tổng điện năng thương mại của cả nước.
Theo ông Hưng, sự phát triển điện mặt trời ồ ạt trong thời gian vừa qua đã gây ra quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải điện vốn đã khá yếu của Việt Nam. Điều này dẫn tới việc nhiều nhà máy điện mặt trời đã phải cắt giảm công suất phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm giảm động lực phát triển của điện mặt trời.
“Do chỉ phát vào các giờ nắng, nên điện mặt trời được coi là một nguồn điện thất thường, không tin cậy trong các quá trình sản xuất công nghiệp và ngay cả trong sinh hoạt dân sinh”, ông Hưng cho hay.
Theo tính toán của A0, trong năm 2021, dự kiến cả nước sẽ phải xả bỏ khoảng 1,3 tỉ kWh năng lượng tái tạo để đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải.
Tuy nhiên, TS Lê Hải Hưng khẳng định, theo nghiên cứu và tính toán của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ thì điện năng phải “xả bỏ” đi trong năm 2021 có thể nhiều hơn.
Cụ thể, với hệ thống điện mặt trời tập trung (có tổng công suất 10.000MWp phát điện thương mại) thì tổng điện năng phát ra khoảng 18 tỉ kWh. Nếu hệ thống truyền tải hiện tại chỉ tiếp nhận được khoảng 10 tỉ kWh như 2020 thì năm 2021 lượng điện phải xả bỏ vào khoảng 8 tỉ kWh. Đó là chưa kể các trạm điện mặt trời áp mái cũng phải xả bỏ một phần điện năng vào khung giờ cao điểm.
Nếu tính giá điện trung bình là 2.000 đồng/kWh, chỉ năm 2021 chúng ta (có thể) sẽ lãng phí khoảng 16.000 tỉ đồng – ứng với khoảng 700 triệu USD. “Đây là một con số lãng phí vô cùng lớn trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn và EVN đang phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào”, ông Hưng nói.
Lưu trữ năng lượng là xu hướng tất yếu
Để hạn chế sự cắt giảm điện mặt trời trong năm 2021, theo ông Hưng, cần phải có hệ thống và công nghệ lưu trữ năng lượng, bởi đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi cho rằng, để hạn chế việc cắt giảm công suất cần có nghiên cứu đặc tính năng lượng trong mô hình hệ thống điện mặt trời nối lưới kết hợp pin lưu trữ công suất 1 MW.
Nghiên cứu, xây dựng, lắp đặt hoàn chỉnh một hệ thống điện mặt trời công suất 1MWp nối lưới với hệ pin lưu trữ lithium hoặc vanadium với công suất 500kW/2000kWh để kết nối và điều hòa các nguồn năng lượng trong hệ thống với phụ tải.
Đồng thời thu thập kết quả thực tiễn, xây dựng dữ liệu, quy trình ứng dụng công nghệ điện mặt trời kết hợp pin lưu trữ”, ông Hưng đề xuất.
Sẽ phải nhập khẩu hàng trăm triệu tấn than để phát triển nhiệt điện
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng thế giới, ông Lê Nguyên Minh – thành viên chuyên gia Hội đồng Năng lượng thế giới cũng có những ý kiến, quan điểm về dự thảo Quy hoạch Điện VIII vừa được Hội đồng thẩm định thông qua, chuẩn bị trình Thủ tướng.
Ông Minh cho rằng, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, từ 2026-2045, Việt Nam xây dựng tiếp 54 nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí hỗn hợp với tổng công suất đặt 82.830 MW, chiếm trên 50% tổng công suất đặt năm 2045.
Đây là định hướng không phù hợp với xu thế phát triển nguồn điện hiện nay trên thế giới. Bởi Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hàng trăm triệu tấn than, LNG từ xa 4.000 km để đốt và xử lý hàng triệu tấn chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Quy hoạch nên bớt đi một vài nhà máy điện, đồng thời giành chi phí hỗ trợ phát triển điện năng lượng tái tạo, nghiên cứu sản xuất pin lưu trữ trong nhiệm vụ cân bằng lưới điện quốc gia và tiêu thụ điện hộ gia đình.
Nguồn https://laodong.vn/kinh-te/dien-mat-troi-co-the-bi-cat-giam-khoang-8-ti-kwh-trong-nam-2021-961245.ldo