Tình hình kinh doanh năm qua của nhiều doanh nghiệp điện gió, mặt trời không mấy tích cực. Trong khi đó, quy mô dư nợ không nhỏ, bởi đặc thù các dự án ngành này cần huy động vốn khủng.
Áp lực trả nợ lớn
Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng Thành Nguyên (Công ty Thành Nguyên) đã có báo cáo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) việc chậm thanh toán lô trái phiếu 500 tỉ đồng phát hành cuối năm 2022.
Tổng số lãi chậm thanh toán lần này hơn 32 tỉ đồng. Chủ tịch HĐTV Công ty Thành Nguyên – cho biết nguồn tiền phải thu/lãi từ các khoản hợp tác bị chậm so với kế hoạch.
Do đó, doanh nghiệp đàm phán và được sự đồng thuận từ phía trái chủ nới hạn trả tới cuối tháng 1-2024.
Trung Nam Group – một doanh nghiệp nổi tiếng khác trong ngành năng lượng tái tạo – nằm nhóm có tần suất báo chậm trả trái phiếu khá dày năm qua.
Trên website, Trung Nam Group cho biết doanh nghiệp bắt đầu triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ năm 2018.
Đến tháng 10-2021, Trung Nam đóng góp 1,63GW năng lượng vào lưới điện quốc gia, dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành này.
Đi cùng với quy mô đầu tư là sự gia tăng dư nợ trái phiếu cùng áp lực thanh toán.
Hôm 21-11-2023, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam thông báo chậm trả tiền lãi gần 107 tỉ đồng cho lô trái phiếu 2.000 tỉ đồng phát hành tháng 5-2021. Thời gian trả được khất đến ngày cuối cùng năm 2023.
Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 – một thành viên Trung Nam Group – tháng 11 cũng thông báo nợ hơn 50 tỉ đồng tiền lãi 3 lô trái phiếu với giá trị lưu hành hơn 2.500 tỉ đồng. Lý do theo doanh nghiệp, “nguồn thu tiền điện về chậm hơn kế hoạch”.
Trung Nam Đắk Lắk 1 là chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam quy mô 600ha, công suất lớn nhất cả nước. Nửa đầu năm nay công ty này lỗ 390 tỉ đồng. Trong năm 2022, công ty này cũng lỗ 858 tỉ đồng, còn năm 2021 vẫn có lãi.
Không riêng gì các doanh nghiệp nêu trên, một số tổ chức phát hành khác cũng có tình trạng chậm thanh toán. Theo tính toán của FiinGroup, tỉ lệ vi phạm nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng ở mức gần 20,08%, tính đến ngày 17-11-2023. Trong đó, với trái phiếu năng lượng tái tạo, tỉ lệ vi phạm nghĩa vụ nợ ở mức 35,85%.
Con số FiinGroup đưa ra còn chưa tính đến tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được đàm phán lại để giãn hoãn theo quy định của nghị định 08.
Thách thức gì với doanh nghiệp điện gió, mặt trời?
Một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khác là BB Power Holdings cũng có dư nợ vượt 11.000 tỉ đồng, tính đến cuối tháng 6-2023.
Đây là chủ đầu tư một loạt dự án điện mặt trời như Đầm Trà Ổ, Gio Thành 1, 2 hay Mỹ Sơn 1, 2… Nửa đầu năm 2023, BB Power Holdings báo lỗ lớn với 376 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ còn lãi hơn 18 tỉ đồng.
Trong báo cáo thường niên 2022, Bamboo Capital – một tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo – cho biết ngành đòi hỏi chi phí đầu tư trả trước rất lớn, đi kèm với đó là rủi ro cao khi phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Bởi vậy theo doanh nghiệp, việc áp dụng và duy trì một khuôn khổ pháp lý ổn định và mang tính dài hạn là thiết yếu để doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này.
Ngoài ra theo Bamboo Capital, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại vẫn chưa sẵn sàng cho vay hoặc cho vay với lãi suất cao, khiến vốn đầu tư của doanh nghiệp gặp rất nhiều hạn chế.
Vấn đề nóng của ngành năng lượng tái tạo năm qua xoay quanh câu chuyện về giá.
Tại một báo cáo phân tích về ngành điện, chuyên gia VNDirect đánh giá khung giá mới là tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng sau thời gian bị đình trệ khi giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) hết hạn. Tuy nhiên với khung giá thấp hơn này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả.
Theo chuyên gia, doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới. Những doanh nghiệp có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế trong giai đoạn này.
Không chỉ đau đầu vì trái phiếu, mới đây một doanh nghiệp lĩnh vực điện gió còn bị ngân hàng xiết nợ. Cụ thể, khoản nợ hơn nghìn tỉ đồng của Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) tại ngân hàng có tài sản đảm bảo là nhà máy Phong điện 1 – Bình Thuận sắp được đem đấu giá.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-dai-gia-dien-gio-mat-troi-chiu-ap-luc-lon-tu-trai-phieu-no-nan-2023122811394727.htm