Giá điện sẽ có tăng, có giảm

• npdienlucgiadinhbaotri 1 1read only 1616081320981769110491 crop 16160815415601937528890

Giá điện sẽ được điều chỉnh kịp thời theo thị trường, có tăng và có giảm, đảm bảo tính đủ các chi phí và lợi nhuận để khuyến khích đầu tư vào ngành điện gắn với phát triển thị trường điện cạnh tranh đầy đủ.

Giá điện sẽ có tăng, có giảm - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty Điện lực Gia Định bảo trì côngtơ điện của hộ dân tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đây là một trong những nội dung trong dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công thương hoàn tất những khâu cuối cùng trong việc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình góp ý để trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 3 này.

Giảm dần điện than

Cũng theo dự thảo, cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII sẽ có nhiều thay đổi khi nguồn điện giá cao gồm điện khí, năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng lớn.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2030, cơ cấu công suất có sự thay đổi theo hướng giảm dần tỉ trọng nhiệt điện than từ 34% năm 2020 xuống còn 27% năm 2030, không phát triển thêm nhiệt điện than mới ngoài các nhà máy đang xây dựng và xúc tiến đầu tư.

Tuy vậy, sẽ phát triển mạnh các nguồn điện khí, dự kiến chiếm tới 12% tổng công suất đặt năm 2025 và 13% tổng công suất đặt năm 2030. Nguồn điện mặt trời cũng sẽ có tỉ trọng tương ứng là 17% và giảm còn 14%, nguồn điện gió chiếm từ 12-13% tổng công suất.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng đặt ra yêu cầu xây dựng các nhà máy điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt, các nguồn pin tích năng, thủy điện tích năng, động cơ đốt trong ICE để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện có tỉ trọng cao nguồn năng lượng tái tạo, với tỉ trọng khoảng 2% vào năm 2030.

Giai đoạn 2031 – 2045, tỉ trọng nguồn điện than tiếp tục giảm chỉ còn 17%, nguồn điện khí tăng dần lên cao nhất 25% vào năm 2045.

Nguồn thủy điện đang chiếm ưu thế với hơn 30% cũng sẽ giảm dần và các nguồn điện gió, mặt trời sẽ được phát triển mạnh, với tỉ trọng công suất lên tới trên 42% vào năm 2025, đưa tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện lớn) lên tới 53% cho năm 2045.

Như vậy, cơ cấu nguồn điện than sẽ giảm dần từ 40% năm 2030 xuống còn 30% vào năm 2045, nhiệt điện khí tăng từ 24% lên 28%.

Chương trình phát triển lưới điện cũng được dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra mục tiêu đầy tham vọng gắn với sự phát triển quy mô lớn của các nguồn năng lượng tái tạo nên lưới điện truyền tải liên vùng được thiết kế, gắn với liên kết lưới điện khu vực.

Theo đó, lưới truyền tải tính toán dự phòng trung bình là 25%, đảm bảo lưới điện đồng bộ với nguồn khi xuất hiện các cụm nguồn điện lớn, tập trung truyền tải từ Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ra miền Bắc, từ Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đi Nam Bộ và từ Tây Nam Bộ đi Đông Nam Bộ.

Cũng theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, cần sớm xây dựng và vận hành thị trường điện cạnh tranh đầy đủ, điều chỉnh kịp thời giá điện theo giá thị trường, tính đủ các chi phí và lợi nhuận hợp lý để khuyến khích trong đầu tư ngành điện.

Đặc biệt, sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện biểu giá điện theo hướng điều chỉnh giá bán lẻ điện thay đổi theo giá nhiên liệu, tỉ giá, cơ cấu nguồn, giảm bù chéo và bổ sung hai thành phần công suất và điện năng.

Giá điện sẽ có tăng, có giảm - Ảnh 2.

Theo dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giá điện sẽ được điều chỉnh kịp thời theo thị trường. Trong ảnh: nhân viên kiểm tra hệ thống ghi điện từ xa tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nên áp biểu giá điện 2 thành phần?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho rằng do chi phí cung cấp điện có tính đặc thù, phụ thuộc vào nhu cầu phụ tải, thời gian sử dụng điện, lượng điện năng sử dụng, nên có nhiều phương pháp định giá điện.

Với phương pháp định giá điện một thành phần điện năng (kWh) dựa trên lượng điện năng sử dụng không phản ánh được sự thay đổi trong chi phí cung cấp điện. Trong khi đó, với tỉ trọng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đang tăng cao, đây là thời điểm thích hợp để xem xét nghiên cứu áp dụng biểu giá điện hai thành phần.

“Việc định giá điện theo hai thành phần công suất và điện năng nhằm đảm bảo thu hồi các chi phí cố định và chi phí đầu tư công suất hệ thống điện”, vị này nói.

Đồng thời cho rằng cần phải sớm hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, đẩy mạnh việc cạnh tranh giá theo thị trường, kèm theo đó là phát triển thị trường phụ trợ gắn với cơ chế giá hai thành phần để tạo sự khuyến khích cho đầu tư.

TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng với tỉ trọng năng lượng tái tạo tăng cao trong khi nguồn nhiệt điện than giảm, không những đặt lo ngại cho vận hành ổn định hệ thống mà còn khiến cơ cấu giá thành sản xuất điện tăng cao, rất khó để giải quyết bài toán giá điện và cơ cấu nguồn.

Với các ngành sản xuất công nghiệp tiêu hao năng lượng còn nhiều, giá điện cho đối tượng sinh hoạt tương đối cao, trong khi thu nhập của người dân trong khu vực còn thấp, nên giá thành tăng thời gian tới sẽ là áp lực rất lớn trong điều chỉnh giá bán lẻ điện.

“Khi triển khai Quy hoạch điện V, dự kiến nguồn vốn là 1 tỉ USD nhưng cũng rất chật vật. Với Quy hoạch điện VIII, nguồn vốn gấp hơn 10 lần, lên tới 13 tỉ USD/năm liệu có khả thi? Dù khuyến khích tư nhân vào như nguồn điện tái tạo thời gian qua, nhưng chủ yếu là những nhà máy nhỏ, rất ít nhà máy lớn hàng nghìn MW. Nếu sau này mở ra cả các nhà đầu tư nước ngoài vào, cũng không thể nào có giá điện rẻ và giá sẽ theo thị trường nhiều hơn” – ông Hiến khuyến cáo.

GS.VS Trần Đình Long, chuyên gia ngành điện, cho rằng để đảm bảo tính khả thi triển khai cơ cấu nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VIII, cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về cơ chế giá điện. Bởi phải có cơ chế giá để huy động được thành phần kinh tế khác tham gia, đáng chú ý là kinh tế tư nhân trong và ngoài nước.

“Muốn huy động các thành phần kinh tế khác, giá điện là yếu tố quan trọng. Nếu giá thấp quá, nhà đầu tư sẽ không hào hứng tham gia. Nhưng nếu giá điện hấp dẫn với nhà đầu tư lại là gánh nặng lớn cho khách hàng tiêu thụ điện” – ông Long đánh giá.

Phải hài hòa lợi ích của người dùng và nhà đầu tư

Ông Tô Quốc Trụ, chuyên gia năng lượng thuộc Hội đồng Khoa học năng lượng Việt Nam, cho rằng với Quy hoạch điện VIII, giá điện sẽ cao bởi cơ cấu nguồn tỉ trọng năng lượng tái tạo ở mức cao.

Trong khi đó, việc nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo không dễ dàng, khi đây là nguồn có công suất lớn nhưng tỉ lệ phát điện bị hạn chế do số giờ hoạt động thấp, không ổn định nên có thể tác động đến tính an toàn hệ thống.

Theo GS.VS Trần Đình Long, dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa đánh giá kỹ lưỡng và định hướng dài hạn, bài bản về cơ chế giá điện để nhà đầu tư chủ động trong việc huy động vốn cũng như cơ quan vận hành hệ thống điện.

Trong bối cảnh thị trường năng lượng thay đổi liên tục, việc xây dựng cơ chế giá phải vừa đảm bảo để có giá thành điện năng ở mức chấp nhận được với nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng điện.

“Làm sao vừa linh hoạt, tính ổn định giá cả để mọi người yên tâm quy hoạch đầu tư cho ngành điện và quy hoạch chiến lược giá cả trong dài hạn là vấn đề lớn đặt ra” – ông Long nói.

Cần đầu tư 13 tỉ USD/năm trong giai đoạn 2021 – 2030

Dự thảo Quy hoạch điện VIII tính toán tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển điện lực cho giai đoạn 2021 – 2030 là khoảng 128,3 tỉ USD, riêng nguồn điện là 95,4 tỉ USD, lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD. Giai đoạn 2031 – 2045 khoảng 192,3 tỉ USD, với nguồn và lưới tương ứng là 140,2 tỉ USD và 52,1 tỉ USD.

Dự thảo cũng tính toán chi phí trung bình theo công suất nguồn điện ở các giai đoạn trên sẽ tương ứng là 289 USD/kW/năm và tăng lên 325 USD/kW/năm. Trong đó, riêng phần nguồn sản xuất sẽ có chi phí tương ứng là 8,8 cent/kWh và tăng lên 9,6 cent/kWh; chi phí truyền tải là 11,4 cent/kWh tăng lên 12,3 cent/kWh.

Do đó, dự thảo cũng tính toán giá truyền tải cần tăng từ 84,9 đồng/kWh năm 2020 lên 137,3 đồng/kWh năm 2025, và đạt khoảng 130 đồng/kWh giai đoạn 2026 – 2030.

Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương đã đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi và xem xét hệ số giảm giá nếu sử dụng ít điện.

NGỌC AN

Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-dien-se-co-tang-co-giam-20210318223359191.htm

Tổng quan đánh giá

Bấm để đánh giá chất lượng

Chấm điểm trung bình 0 / 5. Số lần đánh giá: 0

Chưa có đánh giá, bạn hãy là người đầu tiên !

We are sorry that this post was not useful for you!

Let us improve this post!

Tell us how we can improve this post?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.