Công trình điện mặt trời trái phép – ai cho mua, cho bán?
Số lượng dự án ở Khánh Hòa hiện đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Cùng với lợi ích trong phát triển kinh tế xã hội, việc đầu tư hàng loạt các dự án nói trên tạo ra nhiều hệ lụy xấu về môi trường, an toàn cháy nổ. Trong khi đó, công tác quản lý sau khi cấp phép còn nhiều bất cập, thiếu hiệu quả.
Số lượng dự án ở Khánh Hòa hiện đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Cùng với lợi ích trong phát triển kinh tế xã hội, việc đầu tư hàng loạt các dự án nói trên tạo ra nhiều hệ lụy xấu về môi trường, an toàn cháy nổ. Trong khi đó, công tác quản lý sau khi cấp phép còn nhiều bất cập, thiếu hiệu quả.
Lỗ hổng quản lý
TP.Cam Ranh là một địa phương ở tỉnh Khánh Hòa có nhiều dự án điện năng lượng mặt trời trong đó, không ít dự án do người ở nơi khác đến mua đất, làm dự án trái quy định.
Vào cuối năm 2020, thành phố Cam Ranh tổ chức kiểm tra ở xã Cam Thịnh Đông qua đó phát hiện 7 dự án năng lượng mặt trời xây dựng trái phép qua đó, ban hành quyết định xử phạt hành chính vì xây dựng trái quy hoạch đất đai.
Đáng nói là một số dự án dù xây dựng trái quy hoạch sử dụng đất nhưng vẫn được đóng điện và đi vào hoạt động.
Về việc này, ông Trần Đăng Hiền – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (Điện lực Khánh Hòa) cho rằng, theo quy định thì các phần đất làm trang trại đều do địa phương quản lý.
Các hộ dân muốn xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời cần có hồ sơ kê khai do xã xác nhận. Sau đó ngành điện kiểm tra hồ sơ, ký hợp đồng mua bán điện với chủ các dự án nói trên.
Trả lời câu hỏi một số dự án xây dựng trái quy hoạch nhưng vẫn được mua điện? Ông Trần Đăng Hiền giải thích, ngành điện chỉ có chức năng ký hợp đồng, kiểm tra hồ sơ có xác nhận của địa phương trước khi mua điện.
“Bên điện lực không thể nắm được về quy hoạch, chuyển đổi đất tại địa phương” – ông Hiền giải thích.
Trong khi đó, về phía chính quyền địa phương lại cho biết không xác nhận vào hồ sơ pháp lý mà chỉ yêu cầu người dân chuyển đổi quy hoạch đất trước khi thực hiện dự án năng lượng mặt trời.
Ông Huỳnh Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông, TP.Cam Ranh cho rằng, các hộ dân có nhu cầu xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời, chính quyền chỉ xác nhận vào việc người dân phải chuyển đổi mục đích liên quan đến đất đai trước khi đóng điện.
“Chúng tôi trả lời các hộ dân chuyển đổi mục đích đất theo Luật đất đai trước khi thực hiện dự án. Chúng tôi hoàn toàn không xác nhận hồ sơ của các hộ dân” – ông Quang nói.
Cần phối hợp kiểm tra, giám sát
Tình trạng quản lý lỏng lẻo cũng xảy ra ở dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà. Cụ thể, nhiều dự án năng lượng mặt trời mái nhà được Điện lực Khánh Hòa cấp phép đấu nối, mua điện hàng loạt. Tuy vậy, việc kiểm tra, giám sát nguy cơ mất an toàn cháy nổ chưa được cơ quan liên quan phối hợp xử lý.
Chưa hết, việc mọc lên hàng loạt dự án năng lượng mặt trời khiến dư luận lo ngại về vấn đề môi trường, xử lý các tấm pin năng lượng và cả các vấn đề về quy hoạch đất đai sau này.
Theo báo cáo của Điện lực Khánh Hòa, hiện tại Khánh Hòa có khoảng hơn 3.000 dự án năng lượng mặt trời lớn nhỏ, trong đó có khoảng 2.600 dự án của người dân có công suất không quá 1 MWp.
Trước những lo ngại của dư luận, ông Trần Đăng Hiền – Phó Tổng Giám đốc Điện lực Khánh Hòa cho biết, đối với các dự án năng lượng mặt trời mái nhà, người dân thường trực tiếp ký hợp đồng mua bán với ngành điện chứ không cần thông qua chính quyền vì “phần mái nhà của người dân thì người dân được quyền lắp”.
Theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, không riêng Khánh Hòa mà tại nhiều nơi có thực trạng nhà đầu tư lợi dụng chính sách để hưởng lợi từ cơ chế điện mặt trời mái nhà.
Riêng đối với các dự án năng lượng mặt trời “núp bóng” trang trại, ông Ngãi cho rằng cần phải có sự phối hợp rõ ràng giữa chính quyền địa phương chứ không thể có chuyện đổ lỗi trách nhiệm.
Nguồn https://laodong.vn/kinh-te/cong-trinh-dien-mat-troi-trai-phep-ai-cho-mua-cho-ban-927648.ldo