Trong tổng số hơn 726MW điện mặt trời được đề nghị bổ sung để đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 mà Bộ Công Thương đề xuất, có dự án 172MW của Tập đoàn Trung Nam, song bộ này yêu cầu phải tuyệt đối tuân thủ quy định.
Một phần dự án điện mặt trời của Trung Nam nằm trong danh mục dự án đề xuất bổ sung đưa vào vận hành thương mại, nhưng yêu cầu phải tuyệt đối tuân thủ quy định – Ảnh: N.HIỂN
Bộ Công Thương vừa có tờ trình về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8).
Đây là tờ trình lần thứ 9 được Bộ Công Thương đưa ra trong suốt gần 1 năm qua, do được yêu cầu phải liên tục cập nhật, rà soát và đánh giá kỹ lưỡng các nguồn, phương án triển khai khi hàng loạt dự án điện thực hiện trong quy hoạch điện 7 bổ sung còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Qua rà soát cho thấy nếu như các dự án nhiệt điện than triển khai xây dựng bị chậm tiến độ, hoặc bị loại bỏ khỏi danh mục, dự án khí đang trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư nhưng đều bị chậm, thì một số lượng lớn các dự án năng lượng tái tạo lại đang chờ đưa vào vận hành, bổ sung quy hoạch lên tới hàng nghìn MW.
Tuy vậy, khác với các đề xuất trước, tại tờ trình lần này Bộ Công Thương đã tiếp tục rà soát và đề xuất danh mục dự án chỉ còn lại khoảng 1/3 so với trước. Cụ thể, đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 với 11 dự án/phần dự án điện mặt trời có tổng công suất là 726,02MW.
Tỉ trọng điện mặt trời như vậy là khá cao so với thực tế vận hành hệ thống điện nhiều nước trên thế giới. Trong khi các nguồn điện mặt trời chưa kèm pin lưu trữ vận hành không ổn định, số giờ vận hành thấp (bình quân 4 tiếng/ngày), không thể phát điện vào cao điểm tối, nên việc phát triển quá nhiều nguồn điện mặt trời sẽ phải kèm theo nguồn điện dự phòng khác.
Bộ Công Thương nêu quan điểm
6 dự án/phần dự án đã hoàn thành với tổng công suất là 452,62MW, đang chờ giá bán điện mới gồm:
– Phù Mỹ 1 – 64,75MW
– Phù Mỹ 3 – 32,74MW
– Dự án điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam là 172,12MW (thuộc Tập đoàn Trung Nam)
– Thiên Tân 1.2 là 80MW
– Thiên Tân 1.3 là 32MW
– Thiên Tân 1.4 là 80MW.
Ngoài ra còn 5 dự án/thành phần dự án đã đầu tư, đầu tư xây dựng đang thi công, đã được thẩm định thiết kế cơ sở, các quyết định liên quan tới đất đai, các hợp đồng mua bán thiết bị, mua bán điện… có tổng công suất là 273,4MW.
Để vận hành các dự án này, Bộ Công Thương nêu ra điều kiện là dự án phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng… giá điện thực hiện theo quy định.
Trường hợp nếu kiểm tra, có vi phạm sẽ xử lý nghiên. Việc triển khai, vận hành dự án cũng chỉ thực hiện khi phù hợp với hạ tầng lưới điện, khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia.
Đối với 12 dự án đã có chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư nhưng trong giai đoạn làm thủ tục, chưa có các quyết định liên quan đến đất đai, có tổng công suất 1.634,4MW, Bộ Công Thương đề xuất xem xét sau năm 2030.
Như vậy, đề xuất này giảm hơn rất nhiều so với con số được Bộ Công Thương báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét phê duyệt trước đó là 2.428,42MW. Mặc dù sau đó bộ này có điều chỉnh giảm xuống còn 2.360,42MW do một số dự án chủ đầu tư không thực hiện, nhưng việc chỉ còn hơn 726MW điện mặt trời trong danh mục đề xuất nêu ra là khá bất ngờ.
Thực tế, quyết định của Bộ Công Thương đưa ra là trên cơ sở đề nghị của Thanh tra Chính phủ về việc chỉ nên cho triển khai tiếp và đưa vào vận hành một số dự án có tổng công suất là 636MW.
Còn lại 1.792,4MW ở 15 dự án thì không nên đưa vào quy hoạch. Đề nghị này của Thanh tra Chính phủ đã được Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương xem xét và rà soát kỹ lưỡng.
Việc phải rà soát các dự án điện mặt trời là có cơ sở, khi mà ngay trong tờ trình của Bộ Công Thương trình Chính phủ cũng nhìn nhận tỉ trọng các nguồn mặt trời đã ở mức cao, khi năm 2020 chiếm 23,8%, năm 2030 dự kiến sẽ chiếm 11% và nếu đưa thêm 6.565MW thì tỉ trọng nguồn này vào năm 2030 lên tới 14,5%.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-cong-thuong-cat-manh-nguon-dien-mat-troi-xin-bo-sung-20221220132135033.htm
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận