Phát triển điện mặt trời – thừa hệ lụy, thiếu kiểm soát: Giải pháp cho điện mặt trời lên lưới?

Phát triển điện mặt trời – thừa hệ lụy, thiếu kiểm soát: Giải pháp cho điện mặt trời lên lưới?

Trước sự phát triển ồ ạt của , Bộ Công Thương đã đề nghị các tỉnh tổ chức triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.

Trước sự phát triển ồ ạt của , Bộ Công Thương đã đề nghị các tỉnh tổ chức triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.

Nghịch lý… thừa điện nhưng không thể huy động

Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong một cuộc họp tổng kết gần đây – đã chia sẻ: Các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời thường xuyên nhắn tin để phàn nàn về việc dự án của họ phải chịu cảnh cắt giảm. “Họ kêu rằng cứ vận hành như thế thì làm sao chúng tôi có đủ tiền để trả ngân hàng. Với tập đoàn, thiếu đã rất đau đầu nhưng thừa điện còn mệt mỏi hơn” – ông Thành nói.

Chia sẻ của ông Dương Quang Thành không chỉ cho thấy nỗi lo của các nhà đầu tư khi “đổ tiền” làm điện mặt trời, mà còn là sự nan giải trong vận hành, điều độ hệ thống điện, đảm bảo an toàn, ổn định trong cấp điện khi tỉ trọng năng lượng tái tạo tăng mạnh trong cơ cấu nguồn.

Còn số liệu từ EVN cho thấy, đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.580 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW – chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỉ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Còn tổng công suất điện mặt trời chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống.

Theo EVN, với đặc điểm tự nhiên của điện mặt trời là phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện – đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện. Do đặc điểm thời tiết từ tháng 9 trở về cuối năm có xu hướng lạnh dần, nên phụ tải hệ thống điện quốc gia chuyển sang mẫu điển hình của mùa lạnh.

Nếu tổng công suất điện mặt trời trên cả nước là 16.500 MW, tương đương khoảng 40% phụ tải toàn quốc vào lúc thấp điểm buổi trưa. Trong đó, có thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa khoảng từ 10h-14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này phụ tải xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.

Mặt khác, vào giờ cao điểm tối (khoảng từ 17h30 – 18h30) là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn, nhưng lúc này, khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn.

Chính vì vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp điểm vào buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ, Tết.

“Năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo, trong đó có hơn 500 triệu KWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500kV” – ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, chia sẻ.

Tại sao hệ thống truyền tải không “gánh” được hết công suất điện mặt trời?

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, việc ồ ạt đầu tư, bùng nổ năng lượng điện mặt trời thời gian qua cho thấy rất nhiều quy hoạch có giá trị pháp lý cao, như điện 7 đã bị phá vỡ.

“Phát triển điện mặt trời đã vượt ra khỏi quy hoạch thiết kế của Điện VII và Điện VII điều chỉnh khi các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung ở phía Nam Trung Bộ – nơi có nhu cầu tiêu thụ và phụ tải điện không cao, trong khi ở những nơi có nhu cầu phụ tải điện lớn thì lại “vắng bóng” dự án điện mặt trời. Và, do không có hệ thống lưu trữ và khả năng truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn, nên tuy có nguồn, nhưng khi cần lại không dùng được và phải cắt điện.

Bên cạnh đó, sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời khiến cho hệ thống truyền tải điện không theo kịp. Bởi để đầu tư đường dây 220KV thì phải mất 2 – 3 năm, còn đường dây 500KV phải mất 5 năm. Đó là lý do thời gian vừa qua, điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung không thể huy động hết công suất.

Cũng bởi điện mặt trời chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống, với hơn 24% công suất nguồn đặt và có những thời điểm được huy động tới hơn 50% công suất – đã dẫn tới tình trạng phải ngừng, khởi động, thay đổi công suất phát các tổ máy nhiệt điện nhiều lần, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ, độ an toàn của các tổ máy, giảm hiệu suất và phát sinh nhiều chi phí vận hành”, ông Vũ Đình Ánh cho hay.

Nói về tình trạng không có lưới truyền tải khiến các dự án phải cắt giảm công suất điện mặt trời, ông Phạm Nguyên Hùng – Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió đều là các nguồn năng lượng không liên tục, khả năng điều chỉnh rất hạn chế, khả năng lưu trữ không lớn (với chi phí cao). Với các đặc điểm nêu trên, trong thời gian qua, việc vận hành hệ thống điện đã gặp phải những khó khăn như dự án điện mặt trời tập trung chủ yếu tại một số khu vực có tiềm năng lớn như Nam Trung Bộ, miền Nam.

“Việc đầu tư điện mặt trời diễn ra nhanh trong khi lưới điện truyền tải phân phối chưa kịp bổ sung. Do đó lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm”, ông Hùng khẳng định, đồng thời cho biết, trong những thời điểm nhu cầu tiêu thụ cao, ngành điện phải thực hiện duy trì các nguồn điện truyền thống để đảm bảo an ninh hệ thống, do đó dẫn đến quá tải hệ thống nguồn điện. Đó là ly do các nhà máy điện năng lượng tái tạo phải điều chỉnh giảm công suất phát để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và an ninh hệ thống điện.

Ngoài ra, việc vận hành hệ thống điện luôn phải cân bằng giữa nguồn điện và phụ tải. Hơn nữa, để vận hành nhiều nguồn năng lượng tái tạo không liên tục cần phải có cấu hình tối thiểu của các nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện than, tua bin khí). Tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo không liên tục (điện mặt trời, điện gió) lớn cũng ảnh hưởng tới việc huy động các nguồn truyền thống. Do các nguồn năng lượng tái tạo biến thiên liên tục, nên các nguồn điện truyền thống cũng phải khởi động/dừng/tăng giảm công suất nhiều hơn, điều này ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị.

Để nâng cao khả năng vận hành linh hoạt của hệ thống điện, ông Hùng cho rằng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị liên quan thực hiện giảm phát theo quy định tại các văn bản pháp luật; tiếp tục điều chỉnh giờ phát cao điểm cho các thủy điện nhỏ, nâng cao khả năng vận hành linh hoạt của các hệ thống nhiệt điện than, tuabin khí.

Đồng thời, về lâu dài, áp dụng các giải pháp lưới điện thông minh hỗ trợ giám sát vận hành lưới điện (AGC, nhà máy điện ảo…); phát triển đồng bộ nguồn – lưới điện; tăng cường hạ tầng SCADA/EMS để giám sát các nguồn điện (chú trọng nguồn điện nhỏ); nghiên cứu hệ thống lưu trữ năng lượng…

“Mất bò mới xây chuồng trại”

Chiều 17.6, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021.

Tại buổi họp, Báo Lao Động đặt câu hỏi về kết quả kiểm tra các dự án điện mặt trời phát triển ồ ạt, thiếu sự kiểm soát trong thời gian vừa qua. Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trả lời về vấn đề này.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 185/TTg-CN ngày 9.2.2021, Bộ Công Thương đang triển khai các nội dung sau: Thành lập đoàn kiểm tra; có văn bản gửi UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát báo cáo các nội dung có liên quan và cử đầu mối phối hợp với đoàn kiểm tra.

Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra trước 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn.

Theo ông Dũng, qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện mặt trời, ttrong đó có điện mặt trời mái nhà tại một số tỉnh, thành phố, Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn các địa phương.

Bên cạnh đó, ngày 7.6.2021, Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 3259 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương – đề nghị các tỉnh tổ chức triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, địa phương, EVN, Bộ Công Thương sẽ tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sử dụng kết quả kiểm tra làm cơ sở để tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch trong thời gian tới, đảm bảo phát triển đồng bộ với hạ tầng lưới truyền tải và nhu cầu sử dụng điện của đất nước.

Trước đó, ngày 17.2, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương, các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.

Ngày 8.3, Bộ này đã có công văn hỏa tốc đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thực hiện rà soát, tổng hợp về vấn đề phát triển ồ át điện mặt trời.

Theo số liệu thống kê của EVN, đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW. Trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12.2020 gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.

Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỉ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỉ kwh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2019.

Do những yếu tố nêu trên, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.

Nguồn https://laodong.vn/kinh-te/phat-trien-dien-mat-troi-thua-he-luy-thieu-kiem-soat-giai-phap-cho-dien-mat-troi-len-luoi-923218.ldo

Tổng quan đánh giá

Bấm để đánh giá chất lượng

Chấm điểm trung bình 0 / 5. Số lần đánh giá: 0

Chưa có đánh giá, bạn hãy là người đầu tiên !

We are sorry that this post was not useful for you!

Let us improve this post!

Tell us how we can improve this post?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.