Bùng nổ đầu tư điện mặt trời, lợi nhanh nhưng hệ lụy cũng tức khắc
Chỉ riêng tại Tây Nguyên, hàng ngàn công trình đã được xây dựng, đi vào hoạt động trong thời gian ngắn, được bán điện ngay và doanh thu có lợi. Nhưng hàng loạt dấu hiệu sai phạm về quy trình đầu tư bắt đầu lộ diện…
Chỉ riêng tại Tây Nguyên, hàng ngàn công trình đã được xây dựng, đi vào hoạt động trong thời gian ngắn, được bán điện ngay và doanh thu có lợi. Nhưng hàng loạt dấu hiệu sai phạm về quy trình đầu tư bắt đầu lộ diện…
Tính đến 31.12.2020, chỉ riêng tỉnh Gia Lai đã có tổng cộng 3.248 hệ thống mái nhà được đầu tư, với tổng công suất 603,8 MWp. Các hệ thống này đã được nghiệm thu, đấu nối phát điện lên lưới. 592 hệ thống lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng đã đấu nối vào trạm biến áp chuyên dùng, tổng công suất 512 MWp. Trong đó có 463 hệ thống lắp đặt trên mái nhà công trình xây dựng là dự án trang trại nông nghiệp, công suất là 439,4 MWp.
Với chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp cá nhân đã đổ xô đầu tư điện mặt trời chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đến 31.12.2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN đã tạm dừng mua điện loại năng lượng mặt trời áp mái này, nên hệ lụy đã bắt đầu xảy ra.
Để được EVN mua điện và được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi về giá, vốn vay, thuê đất… trước thời điểm 31.12.2020, nhiều nhà đầu tư đã chạy đua với thời gian, nên đã bỏ qua các trình tự thủ tục liên quan đến đầu tư như chuyển đổi quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, thiết kế… Thậm chí là vi phạm đến quy hoạch sử dụng đất.
Qua thanh kiểm tra, Gia Lai đã phát hiện có tới 302/431 dự án đăng ký làm trang trại kết hợp công trình điện mặt trời, nhưng hoàn toàn chưa có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, 427 công trình vi phạm Luật Xây dựng, chưa đầy đủ các thủ tục hành chính lẫn các điều kiện tối thiểu như phòng cháy chữa cháy, cột chống sét…
Những vi phạm này cho thấy các nhà đầu tư có dấu hiệu “núp bóng” hoạt động trang trại để làm điện mặt trời. Việc phát triển đến bùng nổ này cũng đang xảy ra khủng hoảng thừa điện cục bộ, quá tải hệ thống truyền tải ở một số địa phương. Đặc biệt, vi phạm về quy hoạch phát triển điện lẫn quy hoạch sử dụng đất.
Làm điện mặt trời có lợi thế là xây dựng nhanh, sớm đưa vào hoạt động, được ưu đãi vay, sớm thu hồi vốn và có lợi nhuận ngay. Nhưng do chạy đua với thời gian để được thụ hưởng ưu đãi, bỏ qua các thủ tục đầu tư, xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất… thì những hệ lụy nêu trên cũng lập tức xảy ra với xã hội lẫn nhà đầu tư.
Nếu trái quy hoạch, trái mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình không đúng với cam kết ban đầu là lập dự án trang trại… như hàng trăm dự án vừa bị phát hiện tại Gia Lai, thì các chủ đầu tư điện mặt trời phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ buộc phải tháo dỡ, trả nguyên trạng. Chưa kể, nếu vi phạm pháp luật thì hậu quả sẽ còn lớn hơn những thiệt hại về kinh tế.
Nhà nước bao giờ cũng luôn tìm những cơ chế thông thoáng nhất, ưu đãi nhiều để khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Đặc biệt đối với những lĩnh vực phù hợp với điều kiện địa phương, có lợi cho môi trường như sản xuất năng lượng tái tạo từ điện mặt trời. Nhưng nếu địa phương “xé rào” về chính sách để các doanh nghiệp, tư nhân phát triển nóng, “cầm đèn chạy trước ô tô” mà bỏ qua các quy định của pháp luật thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Những bài học sai phạm về quản lý đất đai do phát triển nóng bất động sản du lịch, phát triển đô thị, xảy ra ở nhiều tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên còn đang “nóng”. Nhiều quan chức ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên… vì nôn nóng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương mà vi phạm pháp luật, đã, đang lâm vào vòng lao lý là bài học xót xa, và cũng là lời cảnh báo.
Nguồn https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bung-no-dau-tu-dien-mat-troi-loi-nhanh-nhung-he-luy-cung-tuc-khac-923492.ldo